Trải qua những thăng trầm vì bị chi phối bởi những quy luật kiến tạo địa chất cùng những lần "biển tiến, biển lùi", vùng đất có tên gọi "Trà Vang" - tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã được hình thành từ lâu đời. Vào thời kỳ đó, Trà Vinh vẫn còn là một vùng đất rất hoang vu, các loại cây rừng trùm lên những giồng đất, những đầm lầy và sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt.
Trà Vinh |
Vào thế kỷ XVII, các quốc gia phong kiến như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia….trong bối cảnh chung của thế giới đã không tránh khỏi sự khủng hoảng và suy yếu. Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1673) đã chia cắt đất nước thành hai xứ: Đàng trong và Đàng ngoài (lấy sông Gianh làm ranh giới). Điều này đã làm cho hàng vạn nông dân lâm vào thảm họa bị tiêu diệt, phải đi tìm cõi sống ở Phương Nam.
Trước thực tế khách quan đó, vào cuối thế kỷ thứ XVII, các Chúa Nguyễn đã chủ động tổ chức di dân người Việt vào vùng đất Nam bộ, thực thi những chính sách chiêu mộ lưu dân và đưa quân đội vào Nam khai phá đất đai. Cùng với người Việt và người Khmer, người Hoa cũng được Chúa Nguyễn tạo điều kiện để cùng nhau khai phá và định cư trên vùng đất phía Nam này, trong đó có vùng đất Trà Vinh.
Như vậy, vùng đất Trà Vinh, con đẻ của Biển Đông và sông Cửu Long, một vùng đất chứa đựng một hệ sinh thái đa dạng cùng với nhiều tiềm năng kinh tế khác nhau, vào thế kỷ thứ XVII đã có chủ nhân là một cộng đồng dân cư đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa…). Sự hình thành một cộng đồng dân cư đa dân tộc trên vùng đất này là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa cực kỳ trọng đại đối với sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh sau này.
Sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh có thể được chia thành 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: từ năm 1732 đến năm 1900.
Vùng đất và tên gọi "Trà Vang", tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã có từ trước khi Chúa Nguyễn lập Châu Định Viễn, dựng Dinh Long Hồ vào năm 1732. Như vậy, lúc bấy giờ đất Trà Vinh thuộc Châu Định Viễn.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, Vua Gia Long bắt tay ngay vào việc sắp xếp và phân định lại ranh giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc. Từ đó, Gia Định phủ được đổi thành Gia Định Trấn. Lãnh thổ Gia Định Trấn được phân chia thành 4 dinh và 1 trấn phụ, vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Vĩnh Trấn.
Năm 1803, Vua Gia Long cho lập địa đồ các dinh thuộc Gia Định Trấn và đổi Dinh Vĩnh Trấn thành Dinh Hoằng Trấn. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Hoằng Trấn.
Năm 1808, Gia Long đổi Gia Định Trấn thành Gia Định Thành, Dinh Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. Lúc bấy giờ, vùng đất Trà Vinh thuộc Trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1825, vùng đất Trà Vinh được Vua Minh Mạng lập thành Phủ Lạc Hóa trực thuộc Gia Định Thành gồm hai huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ.
Đến năm 1832, Trấn Vĩnh Thanh được đổi tên là Trấn Vĩnh Long. Sau đó, Vua Minh Mạng cho đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Bộ được chia thành sáu tỉnh, gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh" gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lúc này, Trà Vinh là một huyện thuộc Phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn. Trên cơ sở phân chia đó, khu vực hành chính lớn Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Tiểu khu Trà Vinh là tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này.
Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Doumer ký nghị định đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh. Từ đây Nam Kỳ lục tỉnh cũ được phân chia lại thành 10 tỉnh mới, tỉnh Vĩnh Long cũ được tách ra thành 3 tỉnh mới: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Nghị định này được chính thức thi hành từ ngày 1/1/1900. từ đây, tên tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức trên các văn bản tiếng Pháp là Province de Trà Vinh.
Giai đoạn 2: từ năm 1900 đến năm 1992.
Từ 1/1/1900, tên gọi tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức cho đến tháng 5/1951, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục , Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã ban hành Nghị định số 174/NB-51 ngày 27/6/1951 về việc sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ thành 11 tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập lại thành 1 tỉnh Vĩnh Trà.
Từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ - Diệm đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh miền Nam. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần được tách ra, ghép với hai huyện Trà Ôn và Tam Bình của Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới là tỉnh Tam Cần (theo Sắc lệnh số 16-NV ngày 9/2/1956) và tách một phần đất của huyện Cầu Ngang để thành lập một quận mới là quận Long Toàn (theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1956). Đầu năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Tam Cần thành lập được gần một năm thì giải thể, ba quận của tỉnh Tam Cần và quận Vũng Liêm (của tỉnh Vĩnh Long) được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Bình (theo Nghị định số 3-ND/HC/ND ngày 3/1/1957).
Thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam; tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo nghị định này ở miền Nam có 21 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra quyết định tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Ngày 5/5/1992 tỉnh Trà Vinh chính thức đi vào hoạt động và phát triển cho đến ngày nay.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh là một trong 13 tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm về phía hạ lưu giữa sông Tiền và sông Hậu, giáp với biển Đông. Nhìn một cách tổng thể, Trà Vinh có dạng như một hình tứ giác với diện tích đất tự nhiên là 2.288.09 km2 với dân số là 1.012.648 người (số liệu của Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2011).
Địa giới hành chính của tỉnh Trà Vinh được phân chia thành 8 đơn vị bao gồm: thành phố Trà Vinh và 7 huyện (Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành). Tỉnh Trà Vinh là địa bàn cộng cư của 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa và một số ít các dân tộc khác. Trong đó, người Kinh có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu dân số của tỉnh với 684.119 người chiếm 67,5% dân số của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn là nơi có đồng bào Khmer sinh sống đông thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh có 320.292 người (chiếm 31,63%). Bên cạnh đó còn có người Hoa và một số đồng bào khác như Chăm, Dao…có tổng số là 8.237 người chiếm 0,81% dân số của tỉnh.
Chúng ta biết rằng từ xa xưa, trên đất Trà Vinh đã hình thành nên truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn. Đó là thành quả của quá trình cộng cư ngày một đông đảo, phát triển sự gần gũi và đoàn kết của quan hệ dân tộc Việt, Khmer, Hoa trong việc khai hoang mở đất. Nhưng đồng thời với việc mở mang ruộng đất đó là sự hình thành và lớn dần của mâu thuẫn giai cấp, cùng với những biến động trong xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn vào những năm 40 - 50 của thế kỷ XIX. Đó là thời kỳ tình hình xã hội rất phức tạp và nhiều cuộc nổi dậy liên tiếp của nông dân đều bị quân triều đình dập tắt, thúc đẩy những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt.
Tuy vậy, từ cuối thập kỷ thứ năm của thế kỷ XIX, trước tai họa ngoại xâm và nguy cơ mất nước, đồng bào các dân tộc Trà Vinh đã tạm gác những mâu thuẫn với chính quyền phong kiến để tập trung chống Pháp. Từ đây, lịch sử Trà Vinh bước sang trang mới, mở đầu thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngay khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên vùng đất Trà Vinh này, thì ngay lập tức chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Trà Vinh dưới ngọn cờ của Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Duy Dương, Đề Triệu,… Mặc dù các cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại và tổn thất nhiều về người và của, song cũng như cả nước, nhiều người con của Trà Vinh bất khuất vẫn không sợ hy sinh, không nản chí, mà nhẫn nại tìm tòi phương cách hoạt động khác để chống xâm lăng. Các hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai ở Trà Vinh trong 3 thập niên đầu thế kỷ XX diễn ra theo hai hướng:
+ Một hướng là các phong trào mang tính chất nông dân và tiểu tư sản, tiêu biểu như cuộc ám sát hai tên thực dân Pháp do thầy Thông Chánh thực hiện; phong trào Duy Tân; phong trào Đông Du, phong trào Đông kinh nghĩa thục, phong trào Thiên địa hội…
+ Hướng còn lại là các phong trào mang tính chất cộng sản, ảnh hưởng vào Trà Vinh từ trước năm 1920 với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong thời gian này, tại Bình Đông (thuộc quận Tám thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), Tôn Đức Thắng cùng 17 đồng chí, trong đó có một người con của Trà Vinh là Dương Quang Đông đã thành lập ra tổ chức Công Hội Đỏ.
Với tình yêu quê hương đất nước và tài năng sáng tạo cách mạng của tuổi trẻ, Dương Quang Đông về Trà Vinh xúc tiến việc thành lập tổ chức "Thanh niên đỏ". Tổ chức này lần lượt ra đời tại Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh và Càng Long, đây cũng chính là những chiếc nôi hình thành các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 1930. Mùa xuân năm 1930, Tỉnh ủy Trà Vinh ra đời, và đến năm 1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và các Huyện ủy, nhân dân Trà Vinh đã vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 25/8/1945.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc lịch sử đánh dấu sự mở đầu vĩ đại cho chặng đường mới trong tiến trình phát triển của tỉnh Trà Vinh, nhưng cuộc hành trình lịch sử này vừa mới bắt đầu thì thực dân Pháp và các thế lực phản động lại điên cuồng chống phá. Chiến tranh bùng nổ rồi lan dần trên khắp xứ sở Trà Vinh vào cuối mùa thu năm 1945, tuy nhiên kẻ thù đã không thể đè bẹp được ý chí bất khuất của những người cộng sản cùng sức mạnh yêu nước của đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh hàng trăm năm sống gần gũi bên nhau trên mảnh đất này.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và chính quyền cách mạng, nhân dân Trà Vinh đã làm nên những chiến công vang dội như trận La Bang (16/12/1948); chiến dịch Cầu Kè (1949); chiến dịch Trà Vinh (1950)…góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, rút quân về nước.
Hoàn thành xong nhiệm vụ đánh Pháp, quân dân Trà Vinh lại tiếp tục cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ đuổi Mỹ ra khỏi bờ cõi của Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh đã vượt qua muôn vàn thử thách, một lòng theo Đảng, góp phần cùng nhân dân miền Nam đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh do Mỹ đề ra (chiến tranh đơn phương; chiến tranh đặc biệt; chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh), làm nên những chiến công vang dội như Đồng Khởi (1960); Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 (với chiến thắng đó, quân dân Trà Vinh được Đảng và Nhà nước khen tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất và lá cờ vẻ vang với tám chữ vàng: "toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công".)…
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973), Mỹ rút quân về nước, nhân dân Trà Vinh cùng nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục đánh đổ chính quyền Ngụy giành độc lập dân tộc thống nhất nước nhà. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Ngày 30 tháng 4 đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Trà Vinh nói riêng như một mốc son chói lọi về một ngày toàn thắng thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày hòa bình thống nhất, Trà Vinh cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng. Thi hành Quyết định của Quốc hội khóa VIII, tháng 5/1992 tỉnh Trà Vinh được tái lập cùng với 12 tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiến lên xây dựng và phát triển kinh tế. Cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh luôn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống anh hùng trong kháng chiến ngày đêm ra sức lao động xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Trà Vinh có 18.374 liệt sĩ; 987 bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng 61 đơn vị, địa phương được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Là một tỉnh nghèo với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, có xuất phát điểm thấp nhưng Đảng bộ và quân dân Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực đưa tỉnh nhà phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.... Ngày xưa, trong chiến đấu nhân dân Trà Vinh đã không tiếc máu xương của mình, anh dũng ngã xuống để đổi lấy hòa bình cho đất nước với những tấm gương tiêu biểu như Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Kiên Thị Nhẫn, Hồ Thị Nhâm, đồng chí Phạm Thái Bường, Hồ Đức Thắng… Còn ngày hôm nay, trong lao động sản xuất, Trà Vinh lại có những con người cần cù, sáng tạo, năng động, hăng say và hết mình trong công việc. Vượt qua thử thách đói nghèo, họ đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành quả mà ông cha ta đã giành được. Tiêu biểu như cặp vợ chồng thương binh "hai nửa của một danh hiệu anh hùng" Lê Văn Lục và Cam Thị Cúc; hay "vua măng cụt" Lưu Văn Nhiều; nhà "sáng chế chân đất" Trần Văn Dũng; "vua lúa giống" Dương Văn Châu….
Trong chiến tranh, nhân dân Trà Vinh cùng nhân dân cả nước đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Trong hòa bình, nhân dân Trà Vinh lại một lần nữa sẽ chiến thắng, đó là chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo để vùng đất mà họ khai phá từ những thế kỷ trước dần 'thay da đổi thịt", vững vàng cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng ta đã sáng suốt lựa chọn.
Nguồn: travinh.gov.vn
0 comments:
Post a Comment