Đời vua Minh Mạng, miền Nam Việt Nam chia làm sáu tỉnh Vĩnh Long, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường,An Giang và Hà Tiên. Đất Bến Tre bây giờ là phủ Hoàng Trị gồm các huyện Tân Ninh, Bảo An, Bảo Hậu và trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Bến Tre vốn là một phần của dinh Hoằng Trấn lập ra năm 1803, năm sau đổi là dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808 dinh này lại đổi là trấn Vĩnh Thanh. Tỉnh Bến Tre chính là vùng đất thuộc huyện Tân An (được nâng cấp từ tổng Tân An lên năm 1808), thuộc phủ Định Viễn (cũng được nâng cấp từ châu Định Viễn trong cùng năm), nằm trong trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1823, huyện Tân An chia thành hai huyện Tân An và Bảo An, đặt dưới phủ Hoằng An (Bến Tre ngày nay).
Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ trấn lập tỉnh, trấn Vĩnh Thanh chia thành hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ gồm 3 phủ Hoằng An (Bến Tre ngày nay), Định Viễn (Vĩnh Long ngày nay) và Lạc Hóa (Trà Vinh ngày nay).
Năm 1837, đặt thêm phủ Hoằng Trị, rồi đến năm 1851, bỏ phủ Hoằng An, các huyện trực thuộc nhập cả vào phủ Hoằng Trị.
Khi người Pháp đến xâm chiếm Bến Tre, có nhiều cuộc kháng cự của nhân dân địa phương. Năm 1862, Phan Ngọc Tòng (người làng An Bình Đông, quận Ba Tri) bỏ nghề dạy học, chiêu tập người yêu nước vùng lên đánh Pháp. Ông tử trận vào đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng Giêng (30 tháng 1 năm 1868).
Cuối năm 1867, quân Pháp đem binh chiếm ba tỉnh miền Tây là Hà Tiên, An Giang và Vĩnh Long. Phan Thanh Giản (người làng Bảo Thạnh, quận Ba Tri) giữ ba thành không nổi. Do không làm tròn mệnh vua, ông dặn dò con cháu không được làm tay sai cho Pháp, rồi uống thuốc độc tự vận. Từ năm 1867 đến 1870, các cuộc khởi nghĩa do các con của Phan Thanh Giản là Phan Liêm, Phan Tôn và Phan Ngữ vẫn diễn ra không chỉ ở Bến Tre mà còn ở Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, được nhiều người dân hưởng ứng. Pháp sai Tôn Thọ Tường và Tổng đốc Phương nhiều lần chiêu hàng không được. Năm 1870, trong một cuộc giao chiến ở Giồng Gạch, Phan Tôn và Phan Ngữ tử trận. Phan Liêm phải lui ra miền Bắc. Sau khi Pháp chiếm xong Nam Kỳ, sáu tỉnh lớn được chia thành 20 tỉnh (về sau đặt thêm tỉnh thứ 21 là Vũng Tàu). Một phần đất của Vĩnh Long được tách ra để lập tỉnh Bến Tre.
Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì Bến Tre là hạt tham biện thuộc khu vực hành chính Vĩnh Long.
Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Bến Tre trở thành tỉnh Bến Tre.
Từ đó, bỏ cấp huyện mà chia thành quận. Tỉnh có 4 quận: Ba Tri, Sốc Sãi, Mỏ Cày, Thạnh Phú, với 21 tổng và 144 xã. Diện tích của tỉnh là 1501 km². Dân số năm 1910: 223.405 người, năm 1930: 286.000 người, năm 1943: 346.500 người, năm 1955: 339.000 người.
Từ ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận: Ba Tri, Bình Đại, Đôn Nhơn, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Hàm Long, Hương Mỹ, Trúc Giang, với 115 xã, 793 ấp (năm 1965), năm 1970 có 119 xã. Tỉnh lị gọi là Trúc Giang. Diện tích của tỉnh là 2085 km². Dân số năm 1965 là 547.819 người, năm 1970 là 582.900 người.
Từ năm 1975, tỉnh Bến Tre lấy lại tên cũ và chia thành các huyện.
Bến Tre cũng là quê hương của Đạo Dừa. Từ thời Chiến tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
Nguồn bách khoa toàn thư
0 comments:
Post a Comment